Độc đáo lễ cúng thần rừng và lời thề giữ rừng

Chủ nhật - 18/07/2021 21:06 - Đã xem: 266
Đọc bằng Audio AI    
Nói đến Hà Giang là người ta nghĩ ngay đến những dãy núi đá cao ngất. Nhưng ở đó còn có những khu rừng nguyên sinh, sở dĩ nó còn tồn tại được đến ngày hôm nay là do người dân có lời thề phải giữ rừng.
Độc đáo lễ cúng thần rừng và lời thề giữ rừng
Có một tộc người hàng năm vẫn văng vẳng lời thề giữ rừng, như giữ lấy cuộc sống bình yên ở miền núi đá, để bày tỏ lòng biết ơn trời đất, các vị thần và tổ tiên phù hộ cho dân làng được bình an.
Cộng đồng dân tộc đó là người Pu Péo sinh sống chủ yếu tại các xã Phố Là (huyện Đồng Văn), Sủng Tráng và Phú Lũng (huyện Yên Minh) của tỉnh Hà Giang. Đây cũng là một trong những tộc người thiểu số ít nhất trên đất nước ta, khoảng 800 người. Hiện nay, khoảng 100 hécta rừng nguyên sinh vẫn đang xanh tốt, che chở cho cuộc sống của họ, cho cái bình yên bao đời.
Người Pu Péo yêu rừng như yêu chính mạng sống của mình vậy. Vào mùa xuân, khi cái giá lạnh đã tan vợi theo tiết xuân phơi phới, họ tổ chức nhau lại. Tổ chức lễ cúng rừng, tại đây, họ truyền nhau lời thề giữ rừng. Họ giữ bằng tâm linh, bằng niềm tin và khát khao sống bình yên.
Nghi lễ cúng thần rừng của người Pu Péo
Lời thề của người Pu Péo được tổ chức rất long trọng. Họ chọn một ngày đẹp trời nhất trong khoảng từ mồng 3 đến mồng 10 Tết Âm lịch, vào ngày làm lễ, phụ nữ và đàn ông sẽ mặc những bộ trang phục truyền thống mới nhất. Khoảng giữa chiều, vị thầy cúng sẽ điều khiển buổi lễ này. Dân bản tụ tập nhau về bìa rừng, nơi đã được quy định sẵn để hàng năm tổ chức lễ. Đồ lễ đã được chuẩn bị sẵn, được bày ra một cái nong lớn và lót lá chuối rừng. Người Pu Péo theo tín ngưỡng đa thần, họ thờ thần Rừng, thần Trời, thần Suối, thần Gió, thần Đất...
Đàn cúng của người Pu Péo khá đơn giản, được làm bằng những cành cây nhỏ, để nguyên lá, cắm xuống đất, cành đan vào nhau. Sau đó thầy cúng lấy lá chuối hoặc lá rong chải lên ban thờ, cơm nắm và trứng luộc được đặt lên đó.
Nghi lễ cúng khoảng 2 tiếng
Cho nên, trong nong cỗ cúng có rất nhiều nắm cơm tẻ được đóng lại. Bao nhiêu vị thần sẽ có bấy nhiêu nắm cơm, bấy nhiêu chén rượu. Hai con gà to và béo nhất đã được buộc sẵn cạnh bàn thờ. Chủ lễ cầm cành trúc tươi lá khua đi khua lại. Lời của người cúng rầm rì, lúc lại gấp gáp, hào sảng. Thời gian cho buổi lễ kéo dài khoảng hai tiếng đồng hồ.
Khi chủ lễ kết thúc, cũng là lúc gà đã luộc chín, những con dê núi cũng được thui thơm phức. Tại đây, ngay giữa bìa rừng đại ngàn, bữa liên hoan diễn ra vui vẻ. Người nào tham dự thì đánh chén ngay, ai không tham dự thì có phần chia, được mang đến tận nhà. Đây là lúc họ “hưởng lộc” của thần, ăn uống vui vẻ và thầm thì những lời cầu nguyện cho được may mắn.
Vị chủ lễ lúc này lại quỳ xuống, hướng về rừng, cầu các thần chứng giám, nhận lễ cúng, cùng chung vui với dân bản, phù hộ cho dân bản làm ăn phát đạt, có của ăn của để, ngô lúa đầy nhà, gà đầy chuồng.
 
Phần rượu trên mâm lễ được thiếu nữ Pu Péo mời khách khi kết thúc phần lễ.
Người Pu Péo thờ cúng tổ tiên 5 đời trở lại, còn trước 5 đời thì tổ tiên về rừng. Các vị ngự ở những cây lớn trong rừng. Cúng rừng cũng là cúng tổ tiên. Rừng là nơi trú ngụ của tổ tiên, giữ lấy rừng là giữ lấy nguồn cội, để các thần, tổ tiên phù hộ. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, việc người Pu Péo có lời thề bảo vệ rừng, bắt phạt những ai dám phá rừng là vì họ sống phụ thuộc quá nhiều vào rừng. Tất cả những sinh hoạt đều liên quan đến cây cối, đất đai trong rừng.
Việc chặt phá rừng, khai thác gỗ ngày nay đáng báo động và bị lên án, thì lời thề giữ rừng của người Pu Péo, dù cổ xưa nhưng lại rất mới, rất đáng được cổ vũ, học tập, không chỉ có giá trị về tinh thần mà còn khẳng định vai trò, vị trí của cộng đồng gắn với thiên nhiên.
Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo không chỉ là một hoạt động văn hoá mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, mà còn giúp các thế hệ người sau gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, góp phần giữ rừng và bảo vệ nguồn tài nguyên rừng quý giá.
 

Tác giả bài viết: Trịnh Bảng

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn https://qbvptrhagiang.vn/ là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website
Liên kết nhanh
Bản đồ Chi trả DVMTR
licham.net

- Click vào nút hiển thị ngày trong tuần hoặc tháng âm lịch để xem chi tiết

- Màu đỏ: Ngày tốt

- Xanh lá: Đầu tháng âm lịch

- Màu vàng: Ngày hiện tại

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
global banners
Bên trái