Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng: Giúp người dân phát triển kinh tế ổn định, lâu dài
Thứ ba - 27/07/2021 04:58
- Đã xem: 328
Đọc bằng Audio AI
Tại tỉnh Hà Giang, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã thực sự mang lại hiệu quả cao về mặt kinh tế, xã hội và môi trường; thay đổi nhận thức và cải thiện sinh kế của người làm nghề rừng, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng.
Có thu nhập từ dịch vụ môi trường rừng, người dân sẵn sàng đóng góp nguồn lực cho việc xây dựng nông thôn mới tại vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Từ ngày có tiền dịch vụ môi trường rừng, người dân vui vẻ, đồng thuận cùng nhau đóng góp làm đường, làm nhà văn hóa thôn, sân chơi thể thao thôn, xây bể chứa rác thải công cộng…đồng thời cùng nhau đóng góp để duy tu, bảo vệ, sử dụng công trình đó. Nhờ vậy, việc huy động nguồn lực từ người dân xây dựng các thiết chế nông thôn mới dễ dàng hơn trước rất nhiều. Nâng cao trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng.
Ban kiểm tra giám sát huyện kiểm tra công tác tuần tra rừng cộng đồng
Hằng năm, công tác xác định diện tích rừng, chất lượng rừng đủ tiêu chuẩn có cung ứng dịch vụ môi trường rừng được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hà Giang phối hợp chặt chẽ với các chủ rừng, các cơ quan chuyên môn tỉnh tiến hành đánh giá công khai, minh bạch. Có thể thấy, việc giao khoán bảo vệ rừng để được hưởng lợi dịch vụ môi trường rừng đã gắn quyền lợi, trách nhiệm và nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng của người dân.
Trước đây cuộc sống còn khó khăn, nhiều người tự ý vào rừng chặt cây lấy gỗ, củi về đun, phá rừng làm nương. Bây giờ nhận thức của người dân sống gần rừng, sống dựa vào rừng đã thay đổi nhiều, rừng được coi như tài sản của gia đình, mất rừng hoặc rừng nghèo là không được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Mỗi người trong bản đều phải có trách nhiệm giữ rừng, khi phát hiện khu vực nào có hiện tượng xâm hại, lấn chiếm rừng thì thông báo kịp thời với cán bộ kiểm lâm xử lý và ngăn chặn kịp thời.
Công tác tuần tra bảo vệ rừng của cán bộ kiểm lâm
Điều quan trọng nhất là chính sách dịch vụ môi trường rừng đã mang lại quyền lợi cho người dân, từ đó làm thay đổi ý thức người dân từ chặt phá, khai thác rừng sang trồng và tu bổ rừng, người dân có trách nhiệm phát triển rừng bền vững gắn với đa dạng sinh học.
Hơn nữa, nhận thức và trách nhiệm trong công tác bảo vệ, phát triển rừng của cấp ủy, chính quyền cơ sở các xã vùng cao được nâng lên đáng kể, nạn phá rừng làm nương rẫy, cháy rừng, khai thác lâm sản quá mức được ngăn chặn, góp phần làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng được hiệu quả, bền vững.
Dịch vụ môi trường rừng đã mang lại nhiều đổi thay cho cuộc sống của người dân, giúp người dân gắn bó hơn với nghề rừng. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trong thời gian tới, tỉnh đang tập trung lập hồ sơ quản lý rừng, giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư sống gần rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp. Đồng thời, tỉnh phát triển rừng đi đôi với bảo vệ các hệ sinh thái, môi trường và đa dạng sinh học để nhằm khai thác hiệu quả, hưởng lợi nhiều hơn tiềm năng của rừng.
Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang tiếp tục bổ sung, mở rộng nguồn thu từ các đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn; đổi mới công tác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản ngân hàng, kho bạc, bưu điện đảm bảo công khai, minh bạch và đúng đối tượng.
Tác giả bài viết: Trịnh Bảng
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn https://qbvptrhagiang.vn/ là vi phạm bản quyền